Danh sách chuyên gia tư vấn Danh sách nhà thuốc

Tìm kiếm
Hỗ trợ 24/7
  • Chuyên gia tư vấn

    0984.464.844 - 0931.084.084 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844

Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Bài tập phục hồi chức năng cho người tai biến mạch máu não

Thứ năm, 24-11-2016 11:33 AM

Mục lục [Ẩn]

   Tai biến mạch máu não được mệnh danh là căn bệnh “tử thần” vì diễn biến phức tạp, dễ tử vong, người bệnh có sống cũng thường để lại nhiều di chứng nặng nề. Di chứng của tai biến mạch máu não có thể gây tàn phế cho người mắc, làm mất khả năng ngôn ngữ và suy giảm nhận thức, khiến cho cuộc sống của người bị tai biến thay đổi hoàn toàn.  Tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phục hồi di chứng sau tai biến.

   Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về tai biến mạch máu não và điểm qua các bài tập giúp phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não nhé!

 

Tai biến mạch máu não là gì?

 

tai biến mạch máu não là gì

Tai biến mạch máu não

 

    Tai biến mạch máu não (hay đột quỵ não) là tình trạng một phần não bị tổn thương do mạch máu não đột ngột bị tắc hoặc vỡ. Nguyên nhân chính là do cục máu đông hình thành và gây bít tắc mạch máu nuôi dưỡng não. Khi đó, não không được cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng nên dần hoại tử, mất khả năng kiểm soát các cơ quan trên cơ thể, gây ra các di chứng như: Liệt nửa người, méo miệng, suy giảm trí nhớ,… thậm chí là tử vong.

 

Nguyên nhân gây bệnh tai biến mạch máu não

   Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não có thể do người bệnh có tiền sử bị cao huyết áp, mắc bệnh đái tháo đường, các bệnh về tim mạch, mỡ máu… nhưng không được kiểm soát tốt.

   Đây là những nguyên nhân gây ra tắc nghẽn mạch máu hoặc gây vỡ mạch máu dẫn đến xảy ra cơn tai biến.

   Ngoài ra, những người thừa cân, béo phì hoặc người hút thuốc lá… là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh này.

 

Các di chứng sau tai biến mạch máu não

    Tai biến mạch máu não xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần hoặc toàn bộ não đột ngột bị ngưng trệ, dẫn đến các tổn thương não. Tùy vào phần não bị tổn thương, di chứng sau tai biến mạch máu não gây ra sẽ khác nhau:

Rối loạn thị giác

   Nếu bệnh nhân bị tắc động mạch hoặc tĩnh mạch võng mạc trung tâm sẽ gây thiếu máu võng mạc. Hậu quả là mất thị lực một bên hoặc hai bên. Đôi khi tắc động mạch cùng cảnh bên gây hiện tượng mù thoáng qua (mù Fugax).

 

Rối loạn nhận thức

   Di chứng sau tai biến mạch máu não này chiếm khoảng 60% bệnh nhân, là một trong những di chứng nặng nề nhất. Bệnh nhân bị sa sút trí tuệ, hay quên, không nhận ra người thân, mất khả năng định hướng thời gian, không gian,…

 

Rối loạn ngôn ngữ

    Nguyên nhân là do tổn thương vùng Broca khiến bệnh nhân không điều khiển được hệ phát âm (dây thanh âm, môi, lưỡi,…) để phát ra lời nói. Do đó, bệnh nhân có biểu hiện nói ngọng, âm điệu thay đổi, nói lắp,…

 

Yếu hoặc liệt nửa người

   Đây là di chứng phổ biến nhất, chiếm khoảng 90% bệnh nhân tai biến mạch máu não. Bệnh nhân bị liệt vận động nửa người, liệt tay chân, liệt mặt, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh. Hơn nữa, việc không vận động trong thời gian dài có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân như lở loét da, cứng khớp, viêm đường hô hấp, đôi khi gây nhiễm trùng có thể dẫn đến tử vong.

Hôn mê: Hiện tượng người thực vật.

Một số di chứng khác: Tiểu tiện không tự chủ, khó nuốt, táo bón,…

 

Chăm sóc sau điều trị nhồi máu não

 

Chăm sóc bệnh nhân sau nhồi máu não chần phối hợp cả về tâm lý, vệ sinh và dinh dưỡng

Chăm sóc bệnh nhân sau nhồi máu não chần phối hợp cả về tâm lý, vệ sinh và dinh dưỡng

 

Việc chăm sóc bệnh nhân nhồi máu não cần chú ý đến các vấn đề như: Chăm sóc tâm lý, chăm sóc vệ sinh và chăm sóc dinh dưỡng để quá trình hồi phục sau điều trị nhồi máu não đạt kết quả tốt nhất.

 

Chăm sóc tâm lý

    Đối với bất kỳ ai, đột quỵ não đều là một biến cố vô cùng bất ngờ và để lại những di chứng nặng nề cả về thể chất và trí tuệ cho người bệnh. Họ có thể là những người cao tuổi nhưng cũng có thể đang ở độ tuổi trung niên, hay thậm chí là thanh niên,…

    Dù ở bất cứ độ tuổi nào thì những di chứng do đột quỵ để lại chắc hẳn sẽ gây cho người bệnh tâm lý chán nản, tuyệt vọng.

    Ngoài ra, sự rối loạn nhận thức sau tai biến cũng biến bệnh nhân thành một con người khác, họ thường lú lẫn, thờ ơ, trầm cảm, không thể tập trung, tuyệt vọng, mất động lực tập luyện,…

    Bên cạnh những thay đổi sinh học đó, trong quá trình cải thiện rối loạn nhận thức sau tai biến, người bệnh cũng thường nhận được sự chăm sóc tỉ mỉ và rất cẩn thận từ người nhà.

   Điều này là rất tốt nhưng đôi khi cũng phản tác dụng – nó khiến người bệnh có cảm giác bất lực, phụ thuộc và là gánh nặng cho gia đình. Có thể thấy, một người bị tai biến mạch máu não phải trải qua rất nhiều những cảm xúc tiêu cực.

   Vì vậy, việc hoá giải rào cản tâm lý ở người bệnh là một khâu quan trọng trong quá trình cải thiện rối loạn nhận thức sau tai biến.

Bên cạnh việc động viên, trò chuyện cùng người bệnh, gia đình cũng nên hướng dẫn tạo điều kiện cho họ tự chủ một phần cuộc sống của mình ví dụ như:  tự ăn uống, tự đi vệ sinh (thiết kế khu vực đi vệ sinh thuận tiện cho người bệnh), chủ động vệ sinh cá nhân,…

   Hãy giúp người bệnh cải thiện rối loạn nhận thức sau tai biến để họ tìm lại được niềm vui trong cuộc sống, tin tưởng vào sự phục hồi của bản thân và từ đó khiến họ có thêm động lực tập luyện phục hồi chức năng.

 

Chăm sóc dinh dưỡng

   Vấn đề dinh dưỡng – chăm sóc rất quan trọng đối với bệnh nhân đột quỵ. Hầu hết bệnh nhân đột quỵ đều gặp khó khăn trong việc thực hiện công việc này: rối loạn nuốt gây nghẹn đặc – sặc lỏng; liệt…

   Với bệnh nhân hôn mê, rối loạn nuốt (nghẹn đặc – sặc lỏng): cần đặt ống thông dạ dày để bơm thức ăn vào dạ dày. Trường hợp bệnh nhân quá nặng, tiên lượng xấu cần bơm ăn lâu dài, có thể mở thông dạ dày: mở một lỗ nhỏ ở thành bụng trước, nối thông vào dạ dày, đặt 1 ống thông có van 1 chiều vào dạ dày. Mở thông dạ dày cho phép bơm ăn chủ động thời gian dài cho bệnh nhân.

    Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng của người bệnh nhồi máu não rất quan trọng để giúp người bệnh nhanh lành và ngăn ngừa tái phát. Nếu có điều kiện, gia đình, người thân có thể mời chuyên gia dinh dưỡng đến khám và tính nhu cầu dinh dưỡng mỗi ngày của người bệnh. Từ đó xây dựng khẩu phần ăn phù hợp, đảm bảo đủ năng lượng cho người bệnh và dễ tiêu, không ảnh hưởng đến bệnh.

 

Chăm sóc vệ sinh

    Do người bệnh phải nằm một chỗ quá lâu, ngoài ra phải đối mặt với các di chứng khác như: Liệt vận động, rối loạn tiểu tiện... vì vậy việc chăm sóc giữ vệ sinh cho người bệnh nhồi máu não có vai trò đặc biệt quan trọng.

   Cần giữ da người bệnh luôn sạch sẽ, khô thoáng để tránh lở loét, giảm nguy cơ nhiễm trùng. Người chăm sóc bệnh nhân nhồi máu não có thể xoa bóp và di chuyển người bệnh để máu được lưu thông.

   Có thể dùng miếng tã dán có màng đáy thoáng khí trong trường hợp người bệnh nằm liệt giường không thể tự chủ tiểu tiện. Khi sử dụng tã giấy có thể sử dụng thêm tấm đệm lót để chống tràn tối đa.

    Khi tắm rửa, vệ sinh cá nhân cho người bệnh nên thực hiện ở phòng kín gió, nhiệt độ ấm, sàn nhà ít trơn trượt, nước ấm từ 37 - 45 độ. Thời gian tắm từ 5 - 7 phút và không tắm buổi tối.

 

Nguyên tắc phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não

     Như đã đề cập ở phần trên, vì tai biến mạch máu não có thể gây ra nhiều di chứng nặng nề nên qua giai đoạn cấp, người bệnh cần phục hồi chức năng. Mục tiêu của việc phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não là chống teo cơ và cứng khớp, giúp bệnh nhân lấy lại khả năng di chuyển và cử động để có thể tự thực hiện các công việc hàng ngày. Cụ thể:

- Trường hợp tai biến nghiêm trọng, bệnh nhân phải nằm một chỗ: Nguyên tắc là tập thụ động tại giường. Người thân cần giúp bệnh nhân tập tất cả các khớp, từ khớp nhỏ như khớp ngón tay, ngón chân đến khớp lớn như khớp vai, háng. Tập mỗi lần 15 - 30 phút với tần suất 2 - 3 lần/ngày. Trong trường hợp liệt nửa người, bệnh nhân có thể cử động nhẹ thì vẫn tập thể dục như bình thường, động tác nào không thực hiện được thì người nhà cần giúp đỡ. Những trường hợp này có thể dùng thêm dụng cụ hỗ trợ.

- Trường hợp người bệnh vẫn còn tự sinh hoạt được: Có thể luyện tập theo hướng dẫn của kỹ thuật viên vật lý trị liệu. Khi đã thuần thục thì không cần hướng dẫn và học thêm bài tập cao cấp hơn. 

 

Cần bắt đầu phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não từ sớm

Cần bắt đầu phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não từ sớm

 

    Trên thực tế, các chuyên gia cho rằng, sự phục hồi thường chỉ rõ rệt ở những bệnh nhân tổn thương ở mức độ nhẹ đến trung bình. Còn với những bệnh nhân bị tổn thương ở mức độ nặng, khả năng phục hồi rất hạn chế, nhất là khi để lâu. Chính vì vậy, người bị tai biến cần luyện tập phục hồi chức năng càng sớm càng tốt. Trong quá trình điều trị, các chuyên gia cũng thống nhất nguyên tắc là sau giai đoạn cấp, cần cho bệnh nhân ngồi sớm (trong vòng 24 - 48 giờ kể từ khi cơn tai biến khởi phát) để tránh những biến chứng có thể gây tử vong như: Viêm phổi, thuyên tắc tĩnh mạch sâu,… 

 

Các giai đoạn phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não

Giai đoạn 1: Phục hồi chức năng sau tai biến khi bệnh nhân vẫn còn hôn mê

    Thực chất giai đoạn này là thực hiện các bài tập vận động thụ động để tránh co cứng các khớp cho bệnh nhân trong thời gian còn hôn mê.

    Về ăn uống, bệnh nhân được đặt ống thông dạ dày, các món ăn dưới dạng súp, cháo, sữa… được đưa vào cơ thể qua ống thông.

   Mỗi ngày tiến hành lăn trở qua lại giữa bên liệt và bên lành mỗi 2 – 3 giờ/lần, tránh tì đè lâu một chỗ gây loét và nên xoa bóp để tăng lượng máu lưu thông đến các chi, bộ phận của cơ thể.

 

Giai đoạn 2: Phục hồi sau tai biến khi bệnh nhân đã tỉnh táo nhưng chưa thể đi lại được.

   Mục đích của vật lý trị liệu phục hồi chức năng trong thời gian này là để bệnh nhân lấy lại được các kỹ năng vận động, ngôn ngữ đã mất đi do tai biến mạch máu não gây nên.

   Đặt giường nằm cho bệnh nhân: để người bệnh nằm thoải mái và hạn chế được các ảnh hưởng xấu thì nên đặt giường sao cho bên liệt quay ra ngoài. Để gối cao vừa phải, tránh để đầu gập xuống gây khó thở.

   Phục hồi khả năng nhận thức: những bệnh nhân có vấn đề như: không thể tiếp nhận sự truyền đạt từ người khác, mất khả năng suy luận, mơ hồ trong suy nghĩ cần được tập đọc, nhận biết các chữ, con số

   Những bệnh nhân rối loạn ngôn ngữ: cho người bệnh nghe các mẩu chuyện trên báo đài, kể chuyện trong các cuốn sách, tờ báo và để họ tự kể lại.

 

Giai đoạn 3: Phục hồi sau tai biến khi người bệnh đã rời khỏi giường (đi lại được).

   Khi bệnh nhân đã đi lại được khá tốt, các vận động đã được cải thiện đáng kể thì sự phục hồi chức năng sau tai biến đã phát triển rất tốt. Hằng ngày cần đi bộ trong vòng 5 phút, duy trì hoạt động để phục hồi tối đa.

Trong suốt quá trình phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não, các bệnh liên quan đến tai biến: các bệnh về tim mạch, tiểu đường, béo phì, huyết áp cao phải điều trị và tái khám theo yêu cầu của bác sĩ.

Các thói quen như: uống rượu bia, chủ động hay thụ động, lười vận động cũng cần loại bỏ để đảm bảo một liệu trình điều trị tốt nhất.

Hơn hết, tinh thần người bệnh đóng một vai trò quan trọng đến nhận thức và sự phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não, căng thẳng quá mức khiến cho người bệnh không thể tập trung vào tập luyện điều trị.

Sự phục hồi tốt của người bệnh sau tai biến (đột quỵ) là kết quả của sự kết hợp các bài tập, sự chăm sóc và chủ động phòng ngừa các nguy cơ liên quan đến căn bệnh.

 

Một số điểm cần lưu ý trong phục hồi chức năng sau tai biến

 

Từ bỏ hút thuốc, uống rượu để phòng ngừa tai biến tái phát

Từ bỏ hút thuốc, uống rượu để phòng ngừa tai biến tái phát

 

  Cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây tai biến mạch máu não, ngăn ngừa tái phát của bệnh: hút thuốc, tăng huyết áp, thói quen ăn mặn...

   Điều trị các bệnh có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây tai biến mạch máu não như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu...

   Việc phục hồi chức năng cần toàn diện, sớm và tuỳ thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh. Ở giai đoạn cấp của bệnh, việc chăm sóc chiếm vị trí quan trọng, phục hồi chức năng cũng đồng thời phải tiến hành ngay. Nội dung các hoạt động này nhằm mục đích tránh viêm phổi, tắc mạch do nằm lâu, giữ tư thế tốt và đúng để tránh cứng khớp và biến dạng khớp, tập luyện để duy trì và tăng cường sức mạnh cơ, giúp người bệnh độc lập tối đa trong sinh hoạt hàng ngày nhờ dụng cụ trợ giúp.

   Vị trí đặt giường bệnh trong phòng: Giường bệnh được kê ở trong phòng sao cho phía thân bị liệt của người bệnh được hướng ra giữa phòng. Như vậy, mọi tiếp xúc, tác động tới người bệnh đều đến từ phía bên liệt. Điều này khiến họ vận động bên đó nhiều hơn và đỡ bỏ quên nửa thân bị liệt.

 

Các bài tập phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não

 

Tập chuyển trọng lượng lần lượt sang hai chân

Tập chuyển trọng lượng lần lượt sang hai chân

 

    Bệnh nhân đứng tựa hông bên lành cạnh mép bàn, hoặc vịn nhẹ tay lành lên mặt bàn, hai bàn chân ngang bằng nhau, cách nhau 15-20cm. Người tập hướng dẫn bệnh nhân đưa hông ra trước, gấp chân liệt lại, chuyển trọng lượng cơ thể sang bên chân lành, giữ như vậy vài giây. Sau đó từ từ duỗi chân liệt ra. Rồi gấp chân lành lại, chuyển trọng lượng cơ thể sang chân bên liệt. Giữ như vậy vài giây rồi làm lại như lúc bắt đầu.

   Có thể hướng dẫn bệnh nhân tập bằng cách đứng tựa nhẹ mông vào mép bàn, hai bàn chân ngang nhau, cách nhau 15-20 cm, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân. Sau đó bệnh nhân lần lượt chuyển trọng lượng sang chân bên lành, giữ như vậy vài giây rồi lại chuyển sang chân bên liệt luân phiên như vậy.

 

Tập gấp, duỗi khớp háng và khớp gối bên liệt

   Người tập hướng dẫn bệnh nhân đứng vịn nhẹ tay vào một vật nào đó bên cạnh, hai bàn chân cách nhau khoảng 15-20 cm, chân lành ở trước chân liệt ở sau. Sau đó, bệnh nhân chuyển trọng lượng ra trước, dồn trọng lượng lên chân bên lành.

   Khi toàn bộ trọng lượng cơ thể đã dồn lên chân lành ở phía trước, người tập yêu cầu bệnh nhân tập gấp và duỗi khớp háng và khớp gối bên chân liệt. Lưu ý khi gấp khớp háng và khớp gối chỉ nâng gót chân bên liệt (không nhấc cả bàn chân) lên khỏi sàn nhà.

   Hoặc người tập hướng dẫn bệnh nhân đứng vịn nhẹ tay vào một vật nào đó bên cạnh, hai bàn chân ngang nhau cách nhau khoảng 15-20 cm,  sau đó dồn trọng lượng lên chân bên lành rồi tập gấp, duỗi khớp gối và khớp háng bên liệt.

Tập đứng, dồn trọng lượng lần lượt lên hai chân

    Người tập hướng dẫn bệnh nhân đứng thẳng, cân xứng hai bên, hai tay thả lỏng dọc theo thân, hai bàn chân cách nhau 15 - 20 cm, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân. Sau đó, yêu cầu bệnh nhân lần lượt lấy chân trái làm trụ, dạng chân bên phải ra, nhấc bàn chân lên khỏi sàn nhà để toàn bộ trọng lượng cơ thể dồn lên chân bên trái. Người tập luôn đứng về phía bên liệt của bệnh nhân để hỗ trợ khi cần thiết và đề phòng bệnh nhân ngã về phía bên liệt.
 
Tiếp đến lấy chân phải làm trụ, dạng chân bên trái ra, nhấc bàn chân trái lên khỏi sàn nhà để toàn bộ trọng lượng cơ thể dồn lên chân bên phải. Để đảm bảo an toàn nên cho bệnh nhân đứng bên cạnh một vật gì đó (bàn, tường, thanh song song...) để bệnh nhân có thể vịn đỡ khi cần thiết.

Tập đứng thăng bằng

    Bệnh nhân đứng thẳng, cân xứng hai bên, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân (thăng bằng tĩnh), nếu cần trợ giúp người tập đứng về phía bên liệt. Hướng dẫn bệnh nhân tập quay đầu nhìn ra sau qua vai bên liệt và vai bên lành; đứng và vận động thân mình: cúi, ngửa, nghiêng, xoay; đứng và vận động tay: đưa tay lên trên, xuống dưới, sang phải, sang trái (thăng bằng động).

Tập dồn trọng lượng lên chân liệt

   Bệnh nhân đứng thẳng, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân. Người tập đứng về phía bên liệt của bệnh nhân, giúp bệnh nhân duỗi thẳng tay sang ngang, khớp vai vuông góc. Yêu cầu bệnh nhân chuyển và dồn trọng lượng sang bên chân liệt, bước chân lành lên một vật gì đó bên cạnh, cao 15-20cm.
 
   Có thể hướng dẫn bệnh nhân tự tập bằng cách đứng trong thanh song song, hai tay vịn nhẹ lên hai bên, trọng lượng cơ thể dồn đều trên hai chân. Yêu cầu bệnh nhân chuyển và dồn trọng lượng sang bên chân liệt, bước chân lành lên một vật gì đó phía trước cao 15-20 cm.
 
   Khi khả năng thăng bằng và vận động của bệnh nhân đã tốt hơn, có thể hướng dẫn bệnh nhân tự tập bằng cách đứng thẳng, sau đó chuyển trọng lượng sang bên chân liệt, bước chân lành lên một vật gì đó cao 20- 30cm ở phía trước mặt để dồn trọng lượng  cơ thể lên chân bên liệt.
 
   Cũng có thể hướng dẫn bệnh nhân đứng, bước và đặt bàn chân liệt lên một bục tập (hoặc vật gì đó cố định vững chắc) cao 15-20 cm  ở phía trước.  Sau đó nhấc chân lành lên rồi đặt xuống như cũ hoặc đặt bàn chân lành lên bục tập cùng với chân liệt hoặc bước chân lành qua bục tập sang phía bên kia.

 

   Điều trị đột quỵ não rất phức tạp và có thể có nhiều rủi ro. Người bệnh và người nhà bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ. Người bệnh cần phải kiên trì luyện tập các bài tập phục hồi chức năng sau tai biến để tiến trình điều trị rút ngắn nhất có thể. Hy vọng bài viết trên có thể giúp bệnh nhân và người nhà có thêm thông tin bổ ích cho quá trình tập luyện phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não hiệu quả.

Danh sách nhà thuốc