Táo bón là một hiện tượng thường gặp trong cuộc sống hằng ngày và có thể xảy ra với bất kì ai. Cũng chính bởi sự phổ biến ấy mà nhiều người chưa có ý thức đề phòng và chữa trị, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn, đó là bệnh trĩ.
Táo bón là trạng thái đi đại tiện có phân khô cứng, khó ra; thời gian đi tiêu lâu hoặc nhiều ngày mới đi. Tuy táo bón không phải là căn bệnh nguy hiểm nhưng việc đi đại tiện khó khăn, hậu môn rách và chảy máu… thường làm người bệnh cảm thấy khó chịu, đau đớn. Ngoài ra, những động tác rặn mạnh khi đi đại tiện có thể dẫn đến các chứng bệnh nguy hiểm, khó điều trị hơn như trĩ và cao huyết áp.
Nguyên nhân gây ra chứng táo bón là gì?
Nguyên nhân của chứng táo bón rất đa dạng. Táo bón có thể bắt nguồn từ các vấn đề từ bên trong cơ thể như: hẹp trực tràng và hậu môn, tổn thương ở não, khối u vùng tiểu khung, rối loạn chuyển hóa và nội tiết…, nhưng phần lớn nguyên nhân vẫn là từ các yếu tố bên ngoài mà bạn có thể dễ dàng điều chỉnh, thay đổi.
- Lý do phổ biến nhất là chế độ ăn uống không khoa học: thức ăn nhiều đạm, thiếu chất xơ hoặc do bạn ăn nhiều đồ cay nóng.
- Việc uống không đủ nước hay sử dụng nhiều đồ uống có chất kích thích như: cà phê, rượu, bia sẽ làm nặng thêm tình trạng táo bón.
- Thói quen nhịn đại tiện cũng có thể làm rối loạn phản xạ, giảm cảm giác mót rặn của đại tràng.
- Những người làm nghề phải ngồi nhiều, ít hoạt động hoặc phải tiếp xúc với chì sẽ dễ bị ảnh hưởng đến sự hoạt động của ruột, nguy cơ mắc chứng táo bón là rất cao.
- Với những người già, người bị suy nhược cơ thể, người mắc bệnh mãn tính phải nằm lâu, nhu động ruột và trương lực các cơ thành bụng giảm, gây nên táo bón.
- Tình trạng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật, mất nhiều máu… sẽ gây mất nước trong cơ thể dẫn đến phân bị khô cứng.
- Ngoài ra, sử dụng một số loại thuốc như: thuốc phiện, thuốc an thần, thuốc có chất sắt, thuốc kháng sinh... có thể làm giảm nhu động của ruột hoặc làm phân khô lại.
Vì sao táo bón lại gây ra bệnh trĩ?
Bệnh trĩ là bệnh được tạo thành do sự giãn quá mức các tĩnh mạch (phình tĩnh mạch) ở trực tràng và hậu môn gây viêm, sưng hoặc xung huyết (chảy máu). Thủ phạm phổ biến nhất để bệnh trĩ tấn công cơ thể chính là chứng táo bón.
Thứ nhất, khi bị táo bón, phân sẽ khô, cứng, đè nén lên trực tràng khiến cho tĩnh mạch dưới niêm mạc trực tràng phải chịu áp lực và gây ra cản trở cho quá trình lưu thông của máu.
Thứ hai, những bệnh nhân táo bón khi đi vệ sinh tốn nhiều sức hơn người bình thường. Bởi vậy, áp suất trong bụng cũng tăng lên, hậu môn và trực tràng bị đè xuống gây cản trở cho việc tuần hoàn các tĩnh mạch, phân cũng dễ bị nén ép làm cho tĩnh mạch dưới niêm mạc trực tràng phải mở rộng ra.
Thứ ba, những người bị táo bón nặng, thậm chí có thể làm cho niêm mạc trực tràng và lớp cơ tách rời khỏi nhau, ống hậu môn theo phân chuyển xuống dưới, lâu ngày dễ sinh ra bệnh trĩ.
Thứ tư, khi bị táo bón, phân khô và cứng đi qua hậu môn, kéo căng vùng da hậu môn và kéo rạn các nếp gấp bởi một lớp niêm mạc cực mỏng. Hơn nữa, phân cứng và khô dễ làm tổn thương lớp niêm mạc hậu môn gây chảy máu.
Đó là những cách khiến chứng táo bón “phá hủy” trực tràng và hậu môn, gây nên bệnh trĩ. Vậy nên, muốn phòng tránh bệnh trĩ, chúng ta phải chú ý đề phòng và ngăn chặn hiện tượng táo bón, không để nó diễn ra thường xuyên dẫn đến mãn tính.
Ngăn chặn, chữa trị táo bón bằng cách nào?
Uống nhiều nước: Trung bình một người lớn cần cung cấp cho cơ thể từ 1,5 – 2,5 lít nước mỗi ngày. Nên uống nước lọc hoặc các loại trà thiên nhiên, nước trái cây; tránh xa đồ uống có ga và chứa chất kích thích.
Ăn nhiều chất xơ: Nên ăn nhiều rau, củ, quả để bổ sung chất xơ cho cơ thể, chẳng hạn như: một trái táo sẽ cung cấp khoảng một phần mười, một chén đậu cung cấp một phần ba tổng lượng chất xơ cần thiết mỗi ngày…
Tập thói quen đi đại tiện mỗi ngày: Bạn nên tập cho mình thói quen đi toilet vào một giờ giấc nhất định trong ngày, thường sau bữa ăn là tốt nhất. Sau vài ba ngày, bạn sẽ quen với việc đó và không phải “nán lại” trong những lúc bận rộn nữa.
Xem thêm:
Chấm dứt chuỗi ngày tái phát trĩ liên tục nhờ BoniVein
Triệu chứng nhận biết bệnh trĩ nội