Danh sách chuyên gia tư vấn Danh sách nhà thuốc

Tìm kiếm
Hỗ trợ 24/7
  • Chuyên gia tư vấn

    0984.464.844 - 0931.084.084 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844

Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Phát hiện khối bã thức ăn gồm bông tai, kim tuyến và tóc trong bụng bé 5 tuổi

Thứ tư, 04-03-2020 16:20 PM

Mục lục [Ẩn]

Được đặt theo tên của "nàng công chúa tóc mây" trong truyện cổ tích, hội chứng Rapunzel là tình trạng rất hiếm gặp. Người bệnh thường có biểu hiện thích nhổ và ăn tóc của mình. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ.

     Mới đây, một bé gái 5 tuổi bị tắc ruột vừa được phẫu thuật lấy dị vật trong bụng gồm rất nhiều tóc, bông tai, kim tuyến.

Phát hiện khối bã thức ăn gồm bông tai, kim tuyến và tóc trong bụng bé 5 tuổi

     Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí vừa phẫu thuật lấy thành công 2 khối bã thức ăn lớn rắn chắc tại dạ dày và ruột non của một bệnh nhi 5 tuổi ở Mạo Khê – Đông Triều – Quảng Ninh.

     Điều đáng nói là khối cục bã thức ăn này bao gồm tóc, bông gòn, kim tuyến…Theo lời kể của gia đình bệnh nhi, khoảng 6 tháng gần đây, bệnh nhi có biểu hiện ăn tóc của mình hoặc tóc búp bê. Gia đình đã phát hiện nhiều lần và thấy trẻ sau đó nôn, trong phân có tóc. Trước khi vào viện 1 ngày, mẹ có phát hiện trẻ ăn tóc búp bê và sau đó trẻ đau bụng nhiều, nôn. Gia đình đưa trẻ đến bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí để khám. Trẻ nhập viện trong tình trạng đau bụng nhiều, sờ vùng thượng vị có khối rắn chắc.Tiến hành nội soi dạ dày của trẻ có thấy một khối cục bã thức ăn rắn chắc gồm tóc, bông gòn, kim tuyến và 1 số cục bã thức ăn khác.

 

bác sĩ phẫu thuật lấy ra trong bụng bé gái tóc

Bác sĩ choáng váng khi phẫu thuật lấy khối bã thức ăn trong ruột bé 5 tuổi

 

     Trong khi tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ thấy tại dạ dày có 1 khối bã thức ăn với kích thước 10x4cm, kiểm tra phần ruột non thì tiếp tục phát hiện 1 khối bã thức ăn nữa kích thước 5x4cm gây tắc ruột. Hai khối bã thức ăn trên đã được lấy bỏ. Sau phẫu thuật sức khỏe trẻ ổn định và đã có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường.

     Theo BS.CKI. Bùi Văn Việt – Khoa Ngoại tiêu hóa và Tổng hợp bệnh viện cho biết, trường hợp của bệnh nhi vô tình nuốt phải các dị vật thì thường không khó để bắt gặp. Tuy nhiên đối với trường hợp bệnh nhi tự ăn tóc là rất hy hữu. Đối với các trường hợp này nếu không được phẫu thuật kịp thời sẽ gây tắc, thủng ruột, viêm phúc mạc và có thể dẫn tới tử vong.

 

khối bã thức ăn trong bụng bệnh nhân

Khối bã thức ăn thứ 2 gồm bông tai, kim tuyến và tóc trong bụng bé 5 tuổi

 

    Cũng theo các bác sĩ Bệnh viện cho biết các nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng tương tự như bệnh nhi P.V.N là do xem quá nhiều, học theo những hướng dẫn trên mạng chưa có chọn lọc, do trẻ nhỏ chưa thể nhận thức được và thứ hai là có thể do trẻ mắc hội chứng Rapunzel (hội chứng thích ăn tóc) gây ra. 

Hội chứng thích ăn tóc Rapunzel

     Ai mê truyện cổ tích anh em nhà Grimm đều biết chuyện công chúa Rapunzel có mái tóc dài bị phù thuỷ giam trong một toà tháp cao. Tháp không lối vào, nên để hoàng tử có thể giải thoát cho mình, Rapunzel đứng bên cửa sổ thả mái tóc bện chặt xuống tận chân tháp cho hoàng tử đu lên. Rapunzel không ăn tóc, nhưng tên nàng lại được đặt cho một bệnh lý có biểu hiện ăn tóc.

     Hội chứng Rapunzel được bác sĩ Vaughan ghi nhận và báo cáo trên y văn thế giới lần đầu vào năm 1968. Người mắc hội chứng này thường có tình trạng đau bụng, buồn nôn, nôn ói, bụng to, giảm thèm ăn, sụt cân, táo bón hay tiêu chảy. Đây là biểu hiện của tình trạng búi tóc nằm chặn ngang ở đường tiêu hoá, ngăn chặn cơ thể hấp thu các chất dinh dưỡng. Có trường hợp búi tóc làm thủng ruột gây ra nhiễm trùng huyết. Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân bị hội chứng Rapunzel là 4%.

     BS Đào Trung Hiếu, người phẫu thuật lấy búi tóc ở em bé mắc bệnh vừa qua giải thích: “Thông thường tóc lấy từ trong bụng của bệnh nhân này đều bện chắc thành một khối nằm trong dạ dày và kéo dài thành đuôi nằm trong ruột non. Do một phần tóc thường chuyển thành màu vàng vì tác dụng của mật, nên người ta liên tưởng đến mái tóc của nàng Rapunzel”.

     Dù thế giới ghi nhận chưa đến 100 ca nhưng chỉ trong tháng qua bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM đã ghi nhận đến bốn trẻ mắc hội chứng Rapunzel. Bệnh có thể gặp cả ở người lớn, nhưng thường nhất là ở trẻ em, đặc biệt là bé gái.

     Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang, khoa tâm lý bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, cho biết ăn tóc nói chung được xem là một tình trạng “ăn bậy” ở trẻ nhỏ. Ngoài tóc, trẻ còn có thể ăn những thứ khác như giấy, đất, vải, cao su, bông gòn… và tình trạng này thường gặp ở trẻ chậm phát triển tâm thần hoặc có môi trường sống đơn điệu.

     Bác sĩ Trang cho biết bà từng gặp một trường hợp trẻ ăn tóc mà khi lấy ra khỏi bụng, tóc bện thành một búi có hình dạng như con cá. Bà nói: “Nếu trẻ ăn tóc đơn thuần thì không có gì đáng nói. Chỉ cần người lớn lưu ý và giải thích cho trẻ mỗi khi chúng ăn tóc đây là hành vi sai thì dần dà trẻ sẽ bỏ được thói quen này. Nhưng nếu có thêm những biểu hiện bất thường khác, trẻ cần được người lớn đưa đi khám bệnh vì có thể chúng đang có một vấn đề tâm lý nào đó”.

Tại sao hội chứng thích ăn tóc Rapunzel thường gặp ở trẻ nhỏ?

     Bác sĩ Lâm Hiếu Minh, phòng khám tâm lý bệnh viện đại học Y dược TP.HCM cho biết ăn tóc chỉ là hành vi, nhưng bên dưới hành vi này là một bệnh lý nào đó cần phải khám phá. Ông nói: “Đó có thể là xung động nhổ tóc, rối loạn về tâm thần như bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn lo âu, hay thậm chí là trầm cảm”.

     Theo bác sĩ Minh, người lớn bị trầm cảm ít khi nhổ tóc ăn, nhưng ở trẻ con chúng lại có thể ăn tóc, ăn móng tay… một hành vi mà Sigmund Freud gọi là “sự lấp đầy khoảng trống” trong phân tâm học. “Trẻ bị căng thẳng, tổn thương cần có những hành động lấp đầy, đưa vào như ăn tóc. Freud xem đây là thoả mãn “khoái cảm về môi miệng” nhằm giúp trẻ dễ chịu”, ông nói.

     Thống kê y văn thế giới cho thấy hội chứng Rapunzel xuất hiện nhiều ở trẻ em dưới sáu tuổi. Bác sĩ Minh lý giải đây là một vấn đề về tâm thể, trẻ em bị nhiều hơn người lớn do chúng không thể diễn tả hết cảm xúc hay suy nghĩ ra ngoài được. Vì thế chúng phải dùng đến những hành động như “nhổ tóc”, “ăn tóc” để giải toả.

     Ông nói tiếp: “Mỗi giai đoạn của con người có những biểu hiện khác nhau. Trẻ dưới sáu tuổi ít diễn tả cảm xúc ra ngoài được, nên có biểu hiện tâm thể như ăn tóc trong hội chứng Rapunzel, còn ở trẻ vị thành niên thì đua xe, chơi game”.

     Một nghiên cứu công bố trên tạp chí BMJ Case Reports hồi tháng 9/2016 cho thấy gần 70% người mắc hội chứng Rapunzel là phụ nữ dưới 20 tuổi. Nhỏ nhất là một bé trai chỉ mới hai tuổi, còn lớn nhất là một phụ nữ 55 tuổi. Nữ bị nhiều hơn nam được lý giải vì bệnh liên quan đến cảm xúc, một phạm trù phái nữ chiếm ưu thế. Nhưng cũng có cách giải thích khác là tóc nữ thường dài nên khi ăn vào rất dễ bị mắc lại trong dạ dày. Càng nuốt tóc vào, người bệnh càng không thể tiêu hoá được tóc và lâu ngày chúng kết thành một búi to trong dạ dày.

     Điều trị hội chứng Rapunzel, các chuyên gia cho rằng cần phải tìm kiếm những vấn đề tâm lý nằm phía dưới hành vi ăn tóc để giải quyết tận gốc. Bác sĩ Minh nói: “Có một số thuốc giúp giải quyết những vấn đề tâm lý, nhưng ở trẻ nhỏ thì phải cân nhắc sử dụng. Thay vào đó, nên áp dụng những biện pháp tâm lý giúp trẻ giải tỏa cảm xúc tiêu cực ra ngoài như trị liệu bằng tranh vẽ, trò chơi, âm nhạc, nghệ thuật (nặn đất sét, làm đồ thủ công…)”.

     Qua bài viết trên, mong rằng các bậc phụ huynh cần quan tâm, chăm sóc trẻ cùng với đó là giáo dục, hướng dẫn trẻ những thực phẩm nên ăn và không nên ăn. Cần đưa trẻ đi khám ngay khi có những bất thường về sức khỏe liên quan đến tiêu hóa như: Trẻ ăn uống kém, đau bụng, nôn, đi ngoài ra những dị vật bất thường… Hy vọng thông tin trên hữu ích với quý bạn đọc.

XEM THÊM:

Danh sách nhà thuốc