Danh sách chuyên gia tư vấn Danh sách nhà thuốc

Tìm kiếm
Hỗ trợ 24/7
  • Chuyên gia tư vấn

    0984.464.844 - 0931.084.084 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844

Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh khác nhau thế nào?

Thứ tư, 11-03-2020 15:08 PM

    Vàng da sơ sinh là tình trạng rất hay gặp, trẻ sơ sinh bị vàng da ở tuần đầu tiên sau sinh là do các hồng cầu của thai nhi bị phá hủy để thay thế bằng hồng cầu trưởng thành. Ở mức độ nhẹ, vàng da sơ sinh không gây nguy hiểm cho sức khỏe bé và có thể khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, những trường hợp vàng da bệnh lý lại có thể gây nguy hiểm thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và kịp thời điều trị. Vì thế cha mẹ cần quan sát kỹ nếu có dấu hiệu bất thường cần đưa con đến gặp bác sĩ ngay. 

Vàng da cũng có thể gây tử vong ở trẻ sơ sinh.

   GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho biết, tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong trẻ em tập trung 1 – 5 tuổi cao nhất. Đặc biệt với trẻ dưới 1 tuổi, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh cao nhất, chiếm 50 – 70% tổng số trẻ tử vong dưới độ tuổi này.

  Với trẻ sơ sinh, nhiều trường hợp có thể dự phòng, phát hiện điều trị kịp thời sẽ giảm tỷ lệ tử vong, giảm dị tật, bệnh lý nặng nề ảnh hưởng đến cuộc sống đứa trẻ sau này.

   Như với vàng da sơ sinh, đây là một trong những bệnh phổ biến ở trẻ sơ sinh. Trong đó, khoảng 85% trẻ sơ sinh đủ tháng và hầu hết trẻ sinh non nhìn thấy vàng da trên lâm sàng. Khoảng 6,7% vàng da trong 24 giờ đầu, 20% trong số này cần chiếu đèn điều trị vàng da. 

    Trẻ bị vàng da là do các hồng cầu trong máu bị vỡ quá nhanh chuyển hoá thành Bilirubin - một chất có sắc tố màu vàng. Nếu là sinh lý, thường chỉ từ 7 - 10 ngày là hết vì bilirubin ở mức độ thấp, không đủ khả năng thấm vào não. Bilirubin càng nhiều trong máu, mức độ vàng da càng nặng hơn. 

   Vàng da bệnh lý tức là bilirubin vượt quá giới hạn cho phép, gan không đào thải kịp, bilirubin có nguy cơ thấm vào não (vàng da nhân) có thể gây tử vong, hoặc nếu cứu được thì não trẻ cũng đã bị tổn thương không hồi phục: không nói, không nhìn, không nghe được, bị liệt tay chân,  có những rối loạn về hành vi, không phát triển về trí tuệ.... Di chứng tổn thương não do vàng da đến nay vẫn được đánh giá là di chứng nặng nề nhất trong những trường hợp bị di chứng não ở trẻ sơ sinh. 

   Tuy nhiên trên thực tế, để phân biệt giữa vàng da sinh lý, bệnh lý ở trẻ sơ sinh rất mong manh, khó phát hiện, nếu chúng ta không nhận định, chăm sóc đứa trẻ kịp thời có thể để lại biến chứng nguy hiểm.

   Do vậy, các bà mẹ nên nhận biết được một số dấu hiệu để phân biệt vàng da sơ sinh sinh lý và vàng da bệnh lý.

Phân biệt vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý

 

vàng da sinh và bệnh lý

Phân biệt vàng sinh lý và vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh

 

Trẻ sơ sinh có thể bị vàng da sinh lý hoặc vàng da bệnh lý. Vàng da sinh lý thường sẽ biến mất sau một thời gian ngắn. Trong khi đó, nếu bị vàng da bệnh lý sẽ rất nguy hiểm do trẻ có thể bị hôn mê, co giật, vì vậy các bậc cha mẹ cần biết cách phát hiện vàng da ở trẻ sơ sinh.

Vàng da sinh lý

   Vàng da sinh lý có thể ở mức độ nhẹ, với trẻ đủ tháng, bình thường vàng da được coi là sinh lý khi vàng da xuất hiện sau 24 giờ tuổi, và thường sẽ biến mất trong vòng 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần với trẻ non tháng.

   Mức độ vàng da nhẹ là chỉ vàng da đơn thuần (chỉ vàng da vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn) không kèm theo các triệu chứng bất thường khác (thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ...). Nồng độ Bilirubin/máu không quá 12mg% ở trẻ đủ tháng và không quá 14mg% ở trẻ thiếu tháng... Tốc độ tăng Bilirubin/máu không quá 5mg% trong 24 giờ. Ngoài ra, nước tiểu của trẻ sơ sinh có màu tối hoặc màu vàng (nước tiểu của trẻ sơ sinh thường không màu) và phân nhạt màu.

    Nguyên nhân gây hiện tượng vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh là do sự tích tụ của Bilirubin, một chất có màu vàng được sinh ra khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ giải phóng ra. Hiện tượng này xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh vì các bé có lượng tế bào hồng cầu cao, các tế bào này thường xuyên bị phá vỡ và được thay mới. Trong khi đó, gan của trẻ lại chưa đủ trưởng thành để lọc bỏ hết Bilirubin khỏi máu vì vậy gây nên vàng da. Khi trẻ được khoảng 2 tuần tuổi, gan đã phát triển đầy đủ hơn và đủ sức xử lý Bilirubin nên bệnh vàng da sẽ tự khỏi mà không gây ra bất kỳ nguy hiểm nào.

Vàng da bệnh lý

  Trong một số trường hợp, vàng da là biểu hiện của một căn bệnh tiềm tàng nào đó và ở những trường hợp này vàng da sẽ xuất hiện sớm, trong vòng 24 giờ sau sinh.

   Biểu hiện của vàng da sơ sinh bệnh lý là vàng da đậm xuất hiện sớm, không hết vàng sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ thiếu tháng, mức độ vàng toàn thân, lòng bàn tay, bàn chân và cả kết mạc mắt. Đồng thời với vàng da, có sự xuất hiện của các triệu chứng bất thường khác như: trẻ lừ đừ, bỏ bú, co giật... Xét nghiệm Bilirubin trong máu tăng hơn bình thường.

   Nếu không phát hiện và điều trị vàng da sơ sinh bệnh lý kịp thời có thể xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh do Bilirubin gián tiếp vào não làm cho trẻ tử vong hoặc bị bại não suốt đời.

   Một số nguyên nhân gây vàng da sơ sinh bệnh lý như: bất đồng nhóm máu mẹ con (ABO, Rh), bệnh lý tan máu (thiếu men G6PD, hồng cầu hình liềm, nhiễm trùng), xuất huyết dưới da, chậm đi phân su, nhiễm virus bào thai, bệnh lý gan mật bẩm sinh (teo đường mật, giãn đường mật).

Dấu hiệu trẻ cần đi khám

   Khi trẻ có một trong số các dấu hiệu sau thì cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và tìm nguyên nhân điều trị vàng da kịp thời.

  • Vàng da xuất hiện sớm trước 48 giờ sau sinh.

  • Vàng toàn thân, vàng cả lòng bàn tay và lòng bàn chân.

  • Vàng da kéo dài trên 1 tuần đối với trẻ đủ tháng, trên 2 tuần với trẻ thiếu tháng.

  • Trẻ bị vàng da kèm các dấu hiệu bất thường khác như bú ít, co giật, sốt, phân bạc màu...

   Hiện tượng vàng da rất dễ nhận biết bằng mắt thường ở nơi có đủ ánh sáng. Vì vậy, hàng ngày các bà mẹ cần quan sát màu da toàn thân của trẻ ở nơi sáng. Trong trường hợp khó nhận biết (da trẻ đỏ hồng hoặc đen), nên ấn nhẹ ngón tay cái lên da trẻ trong vài giây, sau đó buông ra, nếu trẻ bị vàng da nơi ấn ngón tay sẽ có màu vàng rõ rệt. Khi trẻ có biểu hiện nghi là vàng da, cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ để kiểm tra.

Điều trị vàng da sơ sinh

 

máy chiếu đèn điều trị vàng da cho trẻ

Chiếu đèn chữa vàng da bệnh lý cho trẻ sơ sinh tại bệnh viện.

 

Có 2 phương pháp để điều trị vàng da sơ sinh bệnh lý do tăng Bilirubin gián tiếp:

  • Chiếu đèn là phương pháp điều trị đơn giản, an toàn và hiệu quả. Mục tiêu của phương pháp này là sử dụng năng lượng ánh sáng xuyên qua da giúp chuyển hóa Bilirubin tự do trong máu thành chất khác không độc, đào thải ra ngoài phân, nước tiểu. Khi chiếu đèn, trẻ sẽ được cởi bỏ quần áo ở trần, che kín mắt và bộ phận sinh dục, xoay trở để tăng diện tích da tiếp xúc với ánh sáng.

  • Thay máu là biện pháp được sử dụng khi trẻ vàng da ở mức độ nặng thất bại điều trị với liệu pháp chiếu đèn hoặc có triệu chứng thần kinh đi kèm.

Lưu ý: Phơi trẻ dưới nắng vào buổi sáng không giúp điều trị vàng da bệnh lý vì cường độ ánh sáng của nắng sớm quá yếu và trẻ cũng không thể tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài để đạt được hiệu quả.

Để điều trị vàng da sơ sinh bệnh lý do tăng Bilirubin trực tiếp thường tùy thuộc vào nguyên nhân bệnh lý mà có các phương pháp điều trị khác nhau. Một số trường hợp buộc phải phẫu thuật nếu trẻ bị bệnh lý teo đường mật hoặc giãn đường mật bẩm sinh.

Phòng ngừa vàng da sơ sinh

 

phòng ngừa vàng da cho trẻ

Cho trẻ bú sữa non ngay sau khi sinh để phòng ngừa vàng da.

 

Để phòng ngừa vàng da sau sinh, các mẹ bầu nên chăm sóc sức khỏe thật tốt khi mang thai, khám thai đầy đủ theo lịch hẹn để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý trong thai kỳ. Nhờ đó tránh được sinh non, sinh nhẹ cân, quá cân, nhiễm trùng từ mẹ sang con.

   Cho trẻ bú sữa non ngay sau sinh và giữ ấm trẻ để giúp trẻ không bị hạ thân nhiệt, hạ đường huyết và đi phân su sớm ngay sau sinh.

  Sau khi sinh, phòng của trẻ phải có đủ ánh sáng để có thể dễ dàng theo dõi màu sắc da của trẻ. Nếu phát hiện bất cứ điều gì bất thường cần cho bé đến khám bác sĩ ngay.

   Vàng da sinh lý là hiện tượng phổ biến, thường không nguy hiểm và có thể tự khỏi nên một số người có thể sẽ chủ quan khi trẻ sơ sinh có hiện tượng này. Tuy nhiên nếu là tình trạng vàng da bệnh lý mà không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời thì có thể ảnh hưởng đến não bộ gây giảm trí tuệ, ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể do tổn thương thần kinh, thậm chí gây bại não, hoặc gây tử vong. Vì thế các cha mẹ nên theo dõi trẻ cẩn thận để phát hiện sớm bất thường và đưa trẻ đi khám kịp thời. Hy vọng thông tin trên hữu ích với quý bạn đọc.

 

XEM THÊM:

Đặt hàng online

BoniVein+ 30V

250.000đ

Danh sách nhà thuốc